NOTE 131

 Không ai sinh ra đã là một con người sở hữu sự điềm tĩnh và ôn tồn. Chúng ta đều bắt đầu cuộc sống là những đứa trẻ ích kỷ và non nớt. Vẻ thâm trầm và bình yên trên gương mặt mỗi con người đều phải được đánh đổi bằng việc vượt qua được những cuộc chiến vô cùng dày vò nơi nội tâm. 


Hôm nay tôi xin phép được chia sẻ với mọi người một câu chuyện đẹp về tổn thương mà bản thân tôi cũng đã phải mất rất nhiều thời gian để học được.


Tôi tin rằng, từ một phần tinh khôi nhất trong bản năng, mỗi sinh mệnh từ khi được sinh ra đều đã chờ đón về những điều kỳ diệu ở cuộc sống này như cách mà một bông hoa hướng dương chuẩn bị vươn mình đón tia nắng ban mai của bình minh. Cảm giác ngập tràn hy vọng ấy là thứ được truyền từ cảm xúc của mỗi người mẹ vào bào thai đang lớn dần trong bụng mình. Điều ấy cũng được thể hiện trong cách mỗi đứa trẻ, bằng sự hiếu kỳ và háo hức, đón chờ những trải nghiệm đầu tiên trong toàn bộ kiếp sống này.


Chỉ có điều, cuộc sống vẫn thường cho chúng ta chính điều mình muốn, nhưng không phải là theo cách mà chúng ta thích. Vì thế mà, cuộc đời mới có những thử thách và bài học mang tên tổn thương.


Tổn thương là những nỗi đau vẫn còn ở lại trong tâm trí của mỗi người nhiều năm sau khi biến cố đau đớn ấy từng xảy ra. Sự đáng sợ của tổn thương chính là nó thường đi kèm với một vài điểm mù khiến một người không biết là mình cần phải đối mặt với nó như thế nào.


Điểm mù thứ nhất - tổn thương vẫn thường đi kèm với những ký ức tủi nhục mà một người từng chịu đựng. Chính vì thế, ở trong vô thức, tự mỗi người ban đầu cũng sẽ lảng tránh nó. Điểm mù thứ hai, tổn thương cùng với năm tháng sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về bản thân lẫn nhãn quan của một người về cuộc sống mà họ không hề hay biết. Bạn cứ tưởng rằng mọi thứ trong cuộc sống của mình đến đoạn này đã ổn trở lại, nhưng ở đâu đó nơi đáy sâu trong tim, bạn vẫn cảm nhận được một sự bất hạnh vô hình mà bản thân không cách nào hàn gắn hay bù đắp. Tổn thương khiến một con người không còn được là phiên bản đầy đủ và hoàn thiện của chính họ nữa, vì thế, nó không thể đi kèm với hạnh phúc.


“Một lần bị rắn cắn, cả đời sợ dây thừng” - Đây chính là một câu nói ám chỉ về những rối loạn hậu sang chấn mà một người từng trải qua. Có những người bị tổn thương bởi lời nói của người khác đến mức kể từ giờ trở đi trong đời, họ sẽ không dám tin vào bất cứ lời khen nào của người khác dành cho mình. Có những người vì đã trải qua quá nhiều mối quan hệ độc hại khi mà họ bị lợi dụng, ngược đãi, bạo lực về cả thể xác lẫn tinh hồn khiến cho dù sau này có gặp được một người thương mình thật sự, họ cũng sẽ không thể đặt lòng tin một lần nữa.


Trên đời không có ai chết bởi vết rắn cắn. Thứ thực sự giết chết họ là nọc độc - tâm lý tiêu cực mà một người tiếp tục dày vò bản thân trăm nghìn lần ngay cả khi tổn thương đã qua đi. Nếu bạn mong chờ một ngày nào đó những người từng gây ra tổn thương cho mình sẽ hối lỗi; hay có một dạng công lý cổ tích nào đó sẽ đòi lại được công bằng cho bạn, rồi bạn sẽ còn phải thất vọng thêm rất nhiều. Thay vào đó, hãy nhìn vào những điều thực tế và mang đầy sức mạnh như là - một linh hồn không đấu tranh để tự cứu bản thân mình thì không có tư cách để được cứu rỗi.


Bạn không thể đối mặt với tổn thương như cách một người cứ nhìn chằm chằm vào đề bài kiểm tra mà không tự tìm đáp án. Mọi người thường hay nghĩ rằng càng trải qua nhiều tổn thương sẽ càng khiến cho thứ ánh sáng bên trong tâm hồn của mỗi con người ngày một mờ dần đi. Tuy nhiên, thứ duy nhất mà tổn thương lấy đi chỉ là sự kỳ vọng ngây thơ của mỗi người về việc cuộc sống của mình sẽ đạt tới điểm viên mãn một cách dễ dàng. 


Những biến cố như thế tồn tại như một dạng thử thách, một bài học, một lời nhắc để bạn ý thức được về một điều sai trái hoặc một điểm yếu quá sơ hở của chính mình. Có những sự tổn thương đến với cuộc đời bạn là để ngăn bạn bước vào những ngã rẽ còn tồi tệ hơn, có những sự tổn thương lại là lý do để thôi thúc bạn đi vào một cuộc hành trình tự hàn gắn lại bản thân. 


Đôi khi số phận cần phải can thiệp một cách thật thô bạo trước khi bạn đánh mất chính mình lần cuối và mãi mãi. Trải nghiệm lúc ấy có thể vô cùng đau đớn, nhưng đôi khi, đó là cách tốt nhất mà cuộc sống có thể làm để chuẩn bị được cho những điều sẽ đến ở giai đoạn tiếp theo. Chúng buộc phải đến một cách ồ ạt và đột xuất như vậy để bạn có thể nhanh chóng học được nhanh nhất và nhiều nhất.


Rồi rất nhiều năm sau này khi nhìn lại, có thể bạn sẽ nhận ra rằng nhờ bài học khắc nghiệt của một thứ tổn thương từ 10 năm trước mà mình mới có thể trở thành một con người tài giỏi, hoàn thiện và vững vàng như ngày hôm nay. Những biến cố ấy ban đầu có thể đau đớn vì nó quá sức chịu đựng của chúng ta lúc ấy; nhưng chúng lại ép chúng ta lớn nhanh hơn và tiến gần hơn đến với bản thể mà trong kiếp sống này bạn khao khát trở thành nhất. 


Ánh sáng bên trong tâm hồn của mỗi con người là thứ không thể nào bị dập tắt hoàn toàn trừ khi chính người đó cũng đã tuyệt vọng từ bỏ lòng tin vào bản thân. Khi tự vượt qua được một sự tổn thương lớn trong nội tâm, bạn cũng đồng thời tiễu trừ đi bên trong chính mình một thứ bóng tối tiềm tàng để trở thành một phiên bản tinh khiết, rạng rỡ và đầy hy vọng hơn của chính mình. Chỉ riêng điều đó đã là một bài học quá tuyệt vời của cuộc sống để nói về ý nghĩa sau cùng mà những tổn thương muốn dạy cho một con người là gì.


“Những người dịu dàng nhất tôi từng biết sống trong một thế giới chẳng hề dịu dàng với họ. Họ đều đã trải qua rất nhiều vụn vỡ, và họ vẫn yêu say đắm, vẫn quan tâm đến người khác. Đôi khi, chính những người chịu nhiều thương tổn nhất lại từ chối chai lì với thế giới này, vì họ không bao giờ muốn người khác phải trải qua những gì họ từng trải.”


Mong bạn không bao giờ quên là, một bông hướng dương có thể nở tung rạng rỡ trước bình minh không phải là bởi tất cả mọi thứ trong cuộc sống này đều thuận lợi với chúng; mà là bởi dù có bất cứ khó khăn thế nào, chúng vẫn luôn được định hướng bởi một thứ ánh sáng thuần khiết chói lọi của vầng dương.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NOTE 166_ ĐỘ CHÍN CỦA ĐÀN BÀ

NOTE 135

2. ĐỌC TỪ ĐÂU ĐÓ